Mi tiên vấn đáp - Phần I.1 - Ngoại Thuyết

Mi tiên vấn đáp - Phần I.1 - Ngoại Thuyết

Mi tiên vấn đáp dịch bởi Hòa Thượng Giới nghiêm - Phần I.1 - Ngoại Thuyết

I. PHẦN DẪN NHẬP

01. Ngoại thuyết (Bàhirakathà)
Sau khi Đức Thế Tôn tuyên bố sắp nhập Niết bàn, ngài cùng với một số đông tỳ khưu Tăng đến thành Kusinàra thuộc quốc độ Malla. Đến khu rừng mát mẻ, dừng lại dưới hai cội cây sàla tươi đẹp với bốn nhánh vươn cao và tỏa rộng, hoa nở rực rỡ và ngạt ngào hương, ngài bảo tôn giả Ananda xếp y tăng-già-lê rồi nói:
- Như Lai sẽ Niết bàn ở đây!
Thế rồi, Đức Thế Tôn nằm nghiêng lưng trên tảng đá bằng phẳng, đầu quay về phía bắc, mặt quay về phía tây. Chư tỳ khưu Tăng ngồi vòng quanh yên lặng như một rừng thiền định. Giữa tiếng chim ríu rít, vài cánh hoa rơi khẽ, bài pháp sau đây đã được Đấng Giác ngộ thuyết lên:
-"Này các thầy tỳ khưu! Như Lai nhắc nhở và căn dặn các thầy như vầy: tất cả pháp hữu vi đều không chắc thật, không bền vững. Tất cả các pháp hữu vi dầu thô thiển hay vi tế đều bị sự tác động của vô thường, biến hoại, đổi khác.
Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp, là phước tạo tác (punnàbhi), cấu tạo nên thân tâm của người và trời; nói cách khác, là nhân sanh sáu cảnh trời dục giới hoặc được làm người có phước báu sắc thân xinh đẹp, ít bệnh tật, ít khổ đau, nhưng nó cũng chẳng thường còn như ý nguyện mãi thế đâu!
Tất cả pháp hữu vi, nếu là ác pháp, là tội tạo tác (appunnàbhi sankhàra), cấu tạo nên thân tâm và cảnh giới trong bốn đường dữ là: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la. Vậy các thầy hãy cố gắng gìn giữ thân khẩu ý, ngăn giữ ác hạnh để khỏi chịu quả báo đau khổ về sau.
Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp thù thắng, là vô ký hay bất động tạo tác (ananjabhi sankhàra); là nhân của tầng trời sắc giới và vô sắc giới của các bậc tu hành đã đắc tứ thiền hay tứ không; cấu tạo nên thân tâm cõi trời phạm thiên hữu sắc và phạm thiên vô sắc. Tuổi thọ ở đấy thì vô lượng nhưng hết phước báu thiền định cũng phải bị đọa lạc như thường.
Vậy này các thầy tỳ khưu! Hãy tinh tấn chuyên niệm, chớ quên, chớ phóng dật, chớ giải đãi. Tử sinh là việc lớn. Hãy rèn luyện thân khẩu ý cho thanh tịnh. Hãy làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm. Hãy qua khỏi bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh trầm luân khổ đau sinh diệt nữa!"
Lúc Đấng Thập Lực (Dassapàlannana) dùng lời tối hậu huấn thị tỳ khưu Tăng với tâm bi mẫn như thế, biết là ngài sắp Tịch diệt Niết bàn, có một số sa môn tâm hãy còn phàm, đã không ngăn được sự ưu sầu, luyến tiếc đối với Đức Đạo sư, họ đã chảy nước mắt khóc than vô cùng bi lụy.
Đức Tòan Thắng Ma lại ân cần nói thêm rằng:
-"Này các thầy tỳ khưu! Hình như các thầy tưởng rằng khi Như Lai diệt độ rồi, sẽ không còn ai là thầy dạy dỗ các thầy nữa chăng? Không phải thế đâu!
Này các thầy tỳ khưu! Pháp và Luật rất đầy đủ, Như Lai đã giáo giới đến các thầy rồi. Ba-la-đề-mộc-xoa (patimo-kkha) dành cho Tăng và Ni, Như Lai đã chỉ dạy cặn kẽ trong bộ Lưỡng phân biệt (ubhatovibhanga) rồi. Nhân có tội và nhân vô tội Như Lai cũng đã từng thuyết minh chi li, rõ ràng rồi. Thinh Văn ba-la-mật tuệ, Như Lai cũng đã nói rồi. Tuệ Đến-bờ-kia cho bậc Độc Giác và bậc Chánh Đẳng Giác, Như Lai cũng đã từng tán dương rồi. Và nào là Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như y túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo,Thất quả, Bát định, Cửu định.. . Như Lai cũng đã nhiều lần tuyên thuyết bằng những thời pháp, đoản ngôn, kệ ngôn, ví dụ, so sánh, giảng giải, phân tích ... khác nhau.
Vậy này các thầy tỳ khưu! Người nào thông hiểu pháp ấy, chứng ngộ pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Như Lai; là người có căn cơ mẫn tiệp, lanh lẹ, kiến trú vững chắc, tâm giải thóat, tuệ giải thóat không xao động.
Này các thầy tỳ khưu! Dầu Như Lai có diệt độ, nhưng Pháp và Luật ấy chính là thầy của các thầy, còn ở bên các thầy, làm nơi nương tựa và dẫn lối cho các thầy. Thế thì sầu thương, bi lụy có ích gì khi các pháp dẫu nhỏ nhiệm như mảnh lân hư trần, to lớn như Tu-di sơn cũng đều phải bị vô thường biến hoại?
Lại nữa, khi Như Lai Niết bàn rồi, ông Đại Ca-diếp sẽ mở hội kết tập lần đầu, trùng tuyên lại Pháp và Luật cho đầy đủ, tỏ rạng lên hầu nhắc nhở và mở mắt cho những tỳ khưu hư hỏng, phóng túng như ông Subhadda cùng những hoa ngôn, lộng ngữ, xuyên tạc Chánh pháp của chúng ngoại đạo.
Lại một trăm năm sau nữa, có vị trưởng lão A-la-hán có tên Yassa Kananda, vì hủy trừ lời nói của tỳ khưu Vajjiputtaka mà mở đại hội kết tập lần thứ nhì, trùng tuyên trọn vẹn Tam tạng Thánh điển.
Thế rồi, hai trăm mười tám năm sau kể từ khi Như Lai diệt độ, có tôn giả Moggaliputtatissa kết tập lần thứ ba, loại bỏ tất cả tư tưởng lai tạp của ngoại giáo, giữ nguyên lời dạy chơn truyền của Như Lai y như lần thứ nhất và lần thứ nhì. Sau đó nữa, tỳ khưu Mahinda, một vị Thánh Tăng, vốn là hoàng tử con của vua A-dục, đã đem ba tạng kinh truyền Chánh pháp vào xứ Tích-lan (Jampànidìpa).
Và khỏang chừng năm trăm năm sau kể từ hôm nay, có một đức vua tên là Mi-lan-đà, có nhiều phước duyên thù thắng (abhinihàra) đã tạo trữ từ xưa, dùng những câu hỏi rất cao siêu, vi tế, sắc bén bởi năng lực trí tuệ của mình để vấn đạo, bức bách các sa-môn, bà-la-môn trong toàn cõi Diêm-phù này, làm cho họ phải trốn vào rừng sâu.
Khi ấy, có một vị tỳ khưu tên là Na-tiên, có trí tuệ siêu phàm, đã giải đáp dễ dàng những câu hỏi, phá nghi những nạn vấn cho đức vua Mi-lan-đà bằng nhiều cách phân tích thiện xảo, nhiều ví dụ sinh động, cụ thể làm cho bậc minh quân vô cùng hài lòng. Nhờ vậy, Pháp và Luật của Như Lai đã không lu mơ, mà trái lại, càng thêm tỏ rạng, được trân trọng bảo lưu, truyền thừa trên thế gian tròn đủ 5.000 năm."
Như thế, vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên với những câu hỏi đáp giữa họ đã được Đức Thế Tôn tiên tri sẵn trước khi ngài nhập diệt.
Người ta nói rằng nước của năm con sông lớn của xứ Ấn-độ tuôn chảy về biển bao nhiêu lượng nước thì những câu hỏi của vua Mi-lan-đà cũng tuôn chảy liên miên, dồn dập không ngưng nghỉ như vậy. Tuy nhiên, nước của năm con sông lớn ra đến biển thì nằm yên trong biển, hòa tan trong biển, được biển kết nạp, dung chứa một cách bình thản như chẳng có vấn đề gì phải bận tâm. Cũng vậy, biển cả được ví như trí tuệ siêu phàm, vô lượng của đại đức Na-tiên. Do vậy, những câu hỏi dù khúc mắc, dù đặt bẫy, dù sâu rộng, dù vi tế thế nào của vua Mi-lan-đà, đều được ngài Na-tiên sẵn sàng giải đáp rành rẽ, khúc chiết bằng nhiều cách khác nhau. Một ngọn đèn cực lớn, ánh sáng quang minh chiếu diệu soi tỏ vào các chỗ tối tăm, hang hóc sâu kín như thế nào thì trí tuệ của đại đức Na-tiên cũng soi tỏ vào bóng tối
hoài nghi, kiến thức đa diện của đức vua Mi-lan-đà y như thế ấy.
Quả thật, cuộc vấn đáp của hai bậc tài đức đã chứa chan sự thật, triết lý, tư tưởng và cả những ý nghĩa nhiệm mầu; khả dĩ nối được ngọn đèn Pháp Bảo giữa cõi mê đồ, vọng tưởng. Sự tranh biện và lập luận minh bạch, khúc chiết của hai ngài có sức hấp dẫn phi thường, làm cho người nghe, người đọc phát sanh phỉ lạc chưa từng có.
---o0o---
Ngày: 15/3/2020 - đăng bởi: Nguyen Van Dat
Nguyen Van Dat 03/27/2020 06:41:15 PM

Tag: #Mi Tiên vân đáp



:

----------------